Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, hay còn gọi là BLW là phương pháp ăn dặm mà bé sẽ tự xúc và tự thưởng thức bữa ăn cũng như tự dừng lại khi cảm thấy đủ (no). Thực phẩm sơ chế cho bé theo phương pháp này phải được cắt nhỏ, thon và dài vừa với kích cỡ ngón tay, đạt đủ độ mềm để bé có thể cầm nắm & nhai dễ dàng; nhất là khi kỹ năng nhai và răng sữa vẫn đang trong quá trình phát triển. Ngoài ra, chế biến thức ăn đúng kích cỡ sẽ giảm thiểu các nguy cơ gây hóc nghẹn khi ăn.
Độ tuổi nào phù hợp cho bé bắt đầu BLW?
Các chuyên gia cho rằng, ba mẹ cần nhận biết các dấu hiệu bé sẵn sàng và cơ thể đáp ứng được yêu cầu của phương pháp ăn dặm này như sau:
- Bé nặng gấp đôi so với trọng lượng cơ thể khi sinh. Bé có thể tự ngẩng đầu, tự ngồi mà không cần người lớn đỡ.
- Bé bắt đầu chú ý và có hứng thú với thức ăn. Ví dụ: nhìn chăm chú khi người lớn ăn, giơ tay đòi thức ăn khi thấy ba mẹ ăn…..
- Khi bé được thử đồ ăn, lưỡi bé đã có thể điều khiển để đẩy đồ ăn xung quanh khoang miệng.
Bắt đầu BLW cho bé như thế nào?
Lần đầu tiên đưa bé thử thức ăn thô, ba mẹ sẽ thấy vừa thú vị nhưng lại vừa lo lắng không biết bé sẽ phản ứng thế nào phải không? Dưới đây là một vài lời khuyên để ba mẹ chuẩn bị trước:
- Cần chắc chắn cái dấu hiệu về vận động và hứng thú nêu ở trên đã xuất hiện ở bé. Đừng vội vàng làm quá sớm, nếu không muốn bé từ chối hợp tác.
- Bé cần có chỗ ngồi vững và đồ ăn được bày biện vừa tầm tay với của bé. Một chiếc ghế ăn theo đúng độ tuổi sẽ làm bé thấy thoải mái khi ăn.
- Song song với việc cho bé thử thức ăn, ba mẹ cũng nên lưu ý cho bé thử uống nước, tốt nhất là nên sử dụng cốc tập uống phù hợp với độ tuổi.
- Áp dụng nguyên tắc chỉ giới thiệu một loại thức ăn cho một lần ăn để bé tập trung thưởng thức. Trẻ nhỏ dễ bị phân tán, nên nếu giới thiệu nhiều hơn 2 loại thức ăn cùng một lúc, có thể kết quả sẽ không được như mong muốn.
- Khi ba mẹ nhận thấy bé bắt đầu mất tập trung, ngoái đầu ra chỗ khác, hoặc muốn rời khỏi ghế thì đó là lúc nên kết thúc bữa ăn của bé. Ăn uống cũng là một hoạt động cần sự hứng thú và phấn khích, nếu như bé đã muốn chuyển hoạt động thì chúng ta nên tôn trọng điều đó. Mặc dù có thể, lượng thức ăn mà bé vừa dung nạp còn ít so với nhu cầu, nhưng không sao! Ba mẹ có thể nạp lại cho bé vào bữa ăn kế tiếp.
Lời khuyên hữu ích khi bé bắt đầu tập ăn dặm
Để quá trình này diễn ra suôn sẻ, ba mẹ nên nghiên cứu kỹ lưỡng lời khuyên hữu ích sau:
- Nghiên cứu kỹ về phản xạ nôn, bởi vì khác với các sự cố về hóc nghẹn thì nôn là một phản ứng của cơ thể khi bé tập cách nuốt và đẩy thức ăn. Kỹ năng nuốt và điều khiển thức ăn trong khoang miệng chính là thử thách đầu tiên của bé khi tập ăn dặm BLW.
- Quan sát kỹ càng để chắc chắn các dấu hiệu sẵn sàng của bé là chính xác.
- Chuẩn bị kỹ một chiếc ghế thoải mái, có đỡ chân để bé ngồi ăn.
- Ngồi ăn cùng bé, để bé có thể quan sát và bắt chước các kỹ năng khi ăn.
- Hãy đưa ra những mục tiêu cụ thể và dễ để bé đạt được trong mỗi bữa ăn, điều này rất quan trọng để mẹ và bé tiếp tục cuộc hành trình ăn dặm BLW
- Thử một loại thức ăn liên tiếp vài ngày, sau đó đổi sang thức ăn khác.
- Chế biến thức ăn theo nhiều cách khác nhau, để có thêm sự phong phú về khẩu vị.
- Chuẩn bị cốc tập uống cho bé mỗi khi ăn.
Lưu ý: Khi mới bắt đầu tập ăn dặm, thức ăn chính của bé vẫn nên là sữa mẹ hoặc sữa bột để dung nạp đủ dinh dưỡng và năng lượng mà bé cần. Thời điểm này thì thức ăn vẫn chỉ là nguồn dinh dưỡng phụ.
Thức ăn nào cho bé mới tập ăn dặm BLW?
Thức ăn thô hay thức ăn nhuyễn đều được nhé ba mẹ ơi, vì bé đang chuyển từ sữa mẹ/sữa bột là chất lỏng sang dạng đặc dần. Mẹ cần lưu ý lựa chọn các loại thực phẩm lành tính, dễ hấp thu và ít gây dị ứng để việc ăn dặm trở nên an toàn và vui vẻ.
Thức ăn nên tránh khi bé mới tập ăn dặm
Chế biến thức ăn cho bé ở giai đoạn này vừa dễ vừa khó, nên cần làm thật cẩn thận. Trước tiên là thức ăn khi cắt phải nhỏ vừa đủ, hình thon dài (lấy kích cỡ của một ngón tay làm chuẩn), nên nấu mềm để bé dễ dàng nhai, nhưng lại không được quá nát nhão vì sẽ làm mất cấu trúc, bé khó cầm ăn. Ngoài ra, mẹ còn phải lưu ý tránh chế biến nhiều gia vị và dầu mỡ để bé dễ tiêu hóa.
- Tránh các đồ ăn cứng và giòn
- Tránh cho muối (hoặc cực ít) hoặc chế biến mặn như khẩu vị người lớn
- Bé dưới 1 tuổi thì chưa tiêu hóa được sữa bò tươi, nên tránh cho bé sử dụng
- Tránh cho đường (cơ thể bé thực tế không cần nhiều đường)
- Tránh dùng mật ong (để phòng ngừa việc bị ngộ độc botulism)
- Tránh những đồ ăn sau khi chế biến có độ trơn cao, làm bé khó cầm nắm.
Kích cỡ của thức ăn như thế nào là phù hợp?
- Thức ăn nên cắt theo cỡ ngón tay, dài khoảng 8 – 10 cm
- Thức ăn dễ cầm nắm với kích thước ngón tay của bé, trước 9 tháng tuổi bé vẫn đang tập để cầm nắm thức ăn thuần thục
- Thức ăn ít độ trơn để bé dễ cầm. Ví dụ: chuối, bơ, kiwi hay xoài
Lượng thức ăn của con khi tập ăn dặm BLW là bao nhiêu?
Rất ít! Khi mới tập ăn bé đang tìm hiểu về mùi vị và kỹ năng nhai nuốt . Quá trình này cần theo đồng hồ sinh học của bé khi bé sẵn sàng, lượng đồ ăn ít hay nhiều sẽ ở bước tiếp theo. Vì vậy, thức ăn chính vẫn là sữa mẹ hoặc sữa bột.
Bé có cần mọc đủ răng sữa khi tập ăn dặm BLW?
Không cần thiết! Nướu của bé siêu chắc và răng cửa không có nhiệm vụ nhai thức ăn. Bé bắt đầu nhai các thức ăn cứng hơn khi có răng hàm. Vì vậy đồ ăn thô và đặc ở giai đoạn này không cần đến vai trò nhai của răng nhiều lắm, miễn là khi chế biến chúng ta chú ý đến độ mềm mà nướu của bé có thể tập nghiền thức ăn.
Khi nào biết bé đã ăn no?
Khi bé bắt đầu nghich đồ ăn, quay đầu ra xung quanh nhìn ngó và từ chối mở miệng ăn tiếp nghĩa là bé đã ăn đủ. Để thuần thục một kỹ năng mới bé cần có thời gian luyện tập, vì vậy hãy kiên nhẫn và đừng đặt ra các kỳ vọng về “lượng”, bé có thể sẽ chỉ dành vài phút cho việc ăn.
Có thể kết hợp thức ăn thô và thức ăn đặc nhuyễn trong thực đơn BLW?
Câu trả lời là CÓ! Một thực đơn ăn dặm phong phú, giúp bé khám phá các kết cấu thức ăn khác nhau (mềm, nhão, khô, ướt, v.v…), ba mẹ vẫn nên chuẩn bị một chiếc thìa vừa tay bé để bên cạnh, trong khi ăn có thể bé sẽ muốn thử dùng thìa để cho thức ăn vào miệng giống như người lớn.
Tập cho bé tự ăn cháo như thế nào?
Ba mẹ giúp bé cho cháo vào thìa và đưa cho bé, và phần còn lại là việc của bé. Bé tự cầm thìa đút cháo vào miệng, đây là kỹ năng cần làm đi làm lại nhiều lần. Tuy nhiên, do cháo sẽ hạn chế kỹ năng nhai, nên món cháo cần kết hợp với cả thức ăn thô như bánh mì, cơm, rau củ hấp hay thịt hầm nhừ.
Liên hệ ngay hotline 0961 825 876 để được tư vấn.
Kinder Academy Preschool
204/25 Nguyễn Văn Hưởng, P.Thảo Điền, Q.2
Hotline: 0961 825 876 – 028 35355153
Website: www.kinderacademy.edu.vn
Để lại một bình luận