Làm sao để phát triển kỹ năng ra quyết định phù hợp với độ tuổi của con?

Hóa ra những thứ tưởng chừng đơn giản như câu hỏi “Chuối hay táo?” lại có ảnh hưởng lâu dài tới bé yêu của bạn đến vậy!

Quá thường xuyên việc chúng ta bắt gặp hoặc chính chúng ta hành xử theo hướng ba mẹ nói bé phải làm thế này, làm thế kia chỉ để giúp cuộc sống dễ thở hơn. Nhưng chính bởi thói quen này, chúng ta đã vô tình tước đi quyền/cơ hội làm quen với việc ra quyết định mà bé cần khi trưởng thành. Làm cách nào chúng ta giúp bé học cách ra quyết định phù hợp với lứa tuổi, và việc học cách ra quyết định từ sớm có những lợi ích gì?

Cách dạy bé kỹ năng quyết định phù hợp

Theo tiến sĩ Jim Taylor, từ báo Tâm lý học Ngày nay, có một số cách bạn có thể áp dụng để bé dù còn rất nhỏ cũng có thể tự ra quyết định.

Rõ ràng, bạn không nên để bé hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Thay vào đó, bạn nên dần dần để trẻ đưa ra những quyết định phức tạp hơn khi lớn lên.

Một cách tốt để khởi đầu là không nên đưa ra quá nhiều lựa chọn, và thay vào đó từ từ dạy cho trẻ cách đưa quyết định phù hợp với độ tuổi.

Ví dụ, bạn không nên để trẻ chọn bất cứ thứ gì con muốn ở siêu thị. Bé có thể cảm thấy thất vọng với mọi lựa chọn sẵn có và trở nên thiếu quyết đoán, hoặc ngược lại: muốn mọi thứ.

Thay vào đó, hãy chỉ đưa ra 2-3 lựa chọn và để trẻ quyết định, ví dụ “con thích kẹo mè, táo hay sữa chua?” Sau đó để bé có thời gian suy nghĩ phù hợp trước khi đưa ra lựa chọn.

Khi trẻ bắt đầu trưởng thành, bạn có thể đưa ra nhiều lựa chọn hơn. Hơn nữa, bạn có thể nâng mức độ quan trọng của các quyết định của trẻ thêm, ví dụ về sự kiện mà bé muốn tham gia hay giờ ngủ mà con mong muốn.

Sau đó, khi trẻ đã thực hiện quyết định của mình, hãy hướng dẫn con cách nhận thức về quyết định của bản thân là đúng hay sai. Nếu quyết định của con không mang đến kết quả tốt đẹp, bé sẽ học được cách tự chịu trách nhiệm trước những kết quả đến từ quyết định của bản thân.

Bằng cách áp dụng phương pháp này, bé yêu sẽ bắt đầu hiểu rằng con đã tự đưa ra quyết định một cách độc lập.

Hãy đưa cho bé một vài quyết định hỗ trợ trong dài hạn

Mặc dù cha mẹ thường cho rằng việc ra quyết định thay bé là để tốt cho con, điều đó thực tế lại có ảnh hưởng đến trẻ trên nhiều phương diện.

Chẳng hạn, nó khiến trẻ mất đi sự tự tin, thậm chí cũng không cho bé có cơ hội rút ra những bài học để chuẩn bị cho giai đoạn trưởng thành.

Ngay cả những lựa chọn thông thường cũng có tầm ảnh hưởng nhất định trong dài hạn. Bạn có thể bắt đầu bằng việc để cho bé lựa chọn giữa việc ăn táo hay chuối, hoặc chọn mặc đồ gì để đi học. Điều quan trọng là để trẻ chọn những thứ đơn giản trước giúp tăng sự tự tin của bản thân bắt đầu với những việc có ít hoặc không ảnh hưởng đến cuộc sống.

Lợi ích từ việc cho trẻ đưa ra quyết định của bản thân

1. Ngăn chặn cơn giận dỗi

Hầu hết các trường hợp, trẻ giận dỗi bởi chúng mất kiểm soát. Một cách tự nhiên, ai cũng mong muốn có cảm giác kiểm soát tình hình. Chỉ có điều chúng ta không nhận ra rằng ngay cả trẻ con cũng như vậy.

Trẻ sẽ chẳng giận dỗi vì bạn chuẩn bị bữa sáng cho bé trong một cái bát đựng khác mọi hôm. Thay vào đó, ngọn nguồn lý do có thể là vì cảm thấy không đủ quyền lực.

Vậy nên, hãy để con yêu cảm thấy mình có năng lực & quyền quyết định – đó chính là chìa khóa để ngăn chặn cơn giận dỗi vô cớ và giữ con trong vòng kiểm soát của cha mẹ.

2. Nâng cao lòng tự trọng của con

Được đưa ra quyết định là mấu chốt nhằm cải thiện sự tự tin của trẻ. Khi con quyết định một điều gì đó và mọi thứ tiến triển tốt đẹp, có 2 ưu điểm nhận được. Đầu tiên, con sẽ cảm thấy cực kỳ vui mừng bởi những quyết định của mình có giá trị. Tiếp theo, sự hài lòng đó sẽ thúc đẩy sự tự tin và hỗ trợ phát triển kỹ năng ra quyết định mang tính tích cực ở con khi lớn.

3. Để bé ý thức được về giá trị bản thân

Một trong những điểm quan trọng của việc giáo dục con cái mà phần lớn các bậc cha mẹ bỏ qua là khơi dậy ý thức về giá trị bản thân cho con. Thông thường, trẻ em thường có tính sáng tạo nhiều hơn người lớn. Những ý tưởng và đóng góp của con nên được coi trọng ngang bằng với ý kiến của cha mẹ.

Hơn nữa hãy đảm bảo bé yêu biết được rằng với vai trò là cha mẹ, bạn hoan nghênh những ý kiến đóng góp của con và ý thức được giá trị của những ý kiến đó trong gia đình. Coi trọng những lựa chọn có vẻ bình thường của trẻ là một cách đơn giản để nâng cao lòng tự trọng của con và nhận ra khả năng của bé.

4. Để bé học cách chịu trách nhiệm

Cuộc sống được hình thành từ những quyết định của chúng ta. Và sẽ thật ý nghĩa nếu chuẩn bị cho con bằng cách giúp con học cách đưa ra quyết định khi con còn bé.

Dần kết hợp những lựa chọn nhỏ trong thói quen thường ngày của trẻ giúp con đóng vai trò chủ động trong các trường hợp đưa quyết định. Thêm vào đó, bé cũng sẽ hiểu ra rằng cần phải chịu trách nhiệm với cả việc đưa ra quyết định lẫn kết quả sau đó (dù tốt hay xấu đi chăng nữa).

5. Nuôi dưỡng và gợi mở khả năng sáng tạo trong con

Bạn à, quyết định mọi thứ thay con sẽ khiến cho bé chẳng có cơ hội để giải phóng sự sáng tạo hay nuôi dưỡng các kỹ năng tư duy trừu tượng của trẻ.

Trên thực tế, hầu hết người lớn thường có suy nghĩ cố chấp và không có tiềm năng sáng tạo như con trẻ. Tuy vậy, vai trò của cha mẹ là nuôi dưỡng khả năng tư duy sáng tạo của con thay vì kiểm soát bằng cách nuôi dạy trẻ trong khuôn khổ độc đoán.

6. Hãy để con học cách giải quyết vấn đề

Ai trong chúng ta đều có lúc đưa ra quyết định sai lầm, và con bạn cũng vậy. Đôi khi, quyết định của con sẽ dẫn tới những hậu quả không mong muốn.

Điều đó không hoàn toàn tiêu cực, các mẹ ạ. Bé sẽ nhìn nhận được sai sót trong quyết định của mình, giúp đưa ra quyết định tốt hơn trong tương lai.

Ví dụ, nếu con đi đôi giày yêu thích và nhảy vào vũng nước bẩn, làm hỏng đôi giày, con sẽ nhớ kết cục đó và quyết định làm khác đi nếu có tình huống tương tự xảy ra (thay vì đi đôi giày đẹp nhất và nghịch ngợm vũng nước bẩn).

Các cha mẹ nên nhớ rằng, chúng ta có vai trò giúp trẻ khôn lớn và trở thành một người có hiểu biết, quyết đoán và có trách nhiệm. Đem lại cơ hội sáng tạo, tăng cường sự tự tin và cảm giác được chịu trách nhiệm với bản thân từ bé sẽ giúp trẻ hình thành một nền tảng vững chắc để phát triển các kỹ năng sống như đã đề cập ở trên.

Ngay cả những quyết định nhỏ nhất cũng có thể tạo ra khác biệt trong dài hạn – vậy tại sao không để con tự quyết định từ những điều đơn giản nhất?

(theo sg.theasianparent.com)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *